0911.21.2468
Xem thêm

Chuyên mục: dac san tai nha

Măng đắng nướng hòa bình

Muốn có măng đắng ngon phải chọn những mầm măng sặt mới nhú, lấy củi nướng cho đến khi măng cháy xém, quắt lại, bóc dần từng bẹ chấm vào gói “chẩm chéo” (gồm muối, ớt, lá gừng, mắc khén, lá tỏi và củ tỏi giã nhỏ). Khi ăn ta sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị đậm đà của muối, cay nồng của ớt, cay ấm của lá gừng, cay tê của mắc khén, cay rát của tỏi cùng hương vị đặc trưng của nước măng chua và cây măng nướng.
Món măng đắng nướng- đặc sản hòa bình
Sưu tầm bởi: Dịch vụ nấu cỗ tại nhà

Mía kim tân Thanh Hóa

Thật không quá lời khi nói mía tím Kim Tân là sản vật “trời ban” cho vùng đất Thạch Thành. Chỉ vùng đất này mới trồng được những cây mía có thân vừa tròn đều, vàng óng lấm tấm sắc mật, ngọt độc đáo, thơm quyến rũ đủ để cho bao du khách gần xa phải say lòng và khoái khẩu...
Xưa kia mí Kim Tân là của ngon vật lạ để tiến vua, vì thế mà giống mía Kim Tân được người nơi đây truyền qua nhiều thế hệ. Chất đất đỏ màu mỡ trên đồi giúp cây mía sinh trưởng tốt và tích tụ mật ngọt thơm.

Mía Kim Tân không cao như mía dưới xuôi, ước chừng đến đầu người; mình tròn lẳn như cổ tay người con gái ở tuổi đương xuân; dóng mía thưa mắt, mía ăn thật giòn, mềm và ngọt; mặt ngoài dóng mía có màu tím biếc nhìn đã thấy ưa.
Nhìn những lóng mía Kim Tân được róc tỉa công phu tròn trịa, bằng chăn chắn, màu óng vàng lấm tấm sắc mật, hương thơm quyến rũ chẳng dại gì lại bỏ qua cơ hội được thưởng thức để rồi tấm tắc khen hoài rằng: mía Kim Tân độc đáo có một không hai. Đáng “đồng tiền bát gạo” ăn để nhớ, để được nhận vào mình những gì là tinh túy của trời đất và con người ban tặng.
Mía Kim Tân là lựa chọn sáng suốt cho bất kì ai đến với xứ Thanh. Người ta thường mua mía về làm quà, vừa rẻ lại vừa sang.
Mùa gió heo may cũng là mùa mía Kim Tân vào độ ngọt nhất. Trên dọc hành trình về chiến khu Ngọc Trạo xưa, những khi mỏi bước, bạn hãy dừng chân thưởng thức Mía Kim Tân. Tước lóng mía tròn lẳn, vàng óng, mềm ngọt trên miệng bạn sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo của sản vật nổi tiếng này. Đó cũng là tinh hoa của đất trời và tình người xứ Thanh.
Sưu tầm bởi: Dịch vụ nấu cỗ tại nhà

Bánh đa Minh Châu- Thanh Hóa

Dịch vụ nấu cỗ tại nhà- Nằm ở bên bờ sông Chu, làng Minh Châu ở xã Thiệu Châu, Thiệu Hóa (Thanh Hóa) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh đa với lịch sử hàng trăm năm. Không biết từ bao giờ, món bánh bình dị này đã trở thành đặc sản của đất Thanh Hóa.
 
Được chế biến từ những con người cần cù, hiền hậu cùng với hương vị đặc trưng, chiếc bánh ẩn chứa nét văn hóa dân dã, khiến ai đã một lần thưởng thức đều không thể quên hương vị độc đáo ấy. Bánh đa làng Minh Châu dày và nhiều vừng, chỉ được làm từ bột gạo nguyên chất chứ không pha độn.
Bánh đa nơi đây được ăn kèm với hến xào bắt ở sông Chu lên là món đặc sản truyền thống của làng. Cầm trên tay những chiếc bánh đa cứ bẻ thành từng miếng mà xúc, mà ăn. Vị ngọt lịm của thịt hến, vị thơm và béo ngậy của vừng, vị cay của ớt, vị chua của chanh và vị nồng của xả quyện lẫn vào nhau nơi đầu lưỡi.
Nguồn: Sưu tầm

cơm cháy hải sản

Chúng ta đã từng nghe tới cơm cháy Ninh Bình nơi được gọi là xứ sở của thịt dê- cơm cháy. Nhưng còn một nơi nữa cũng có món cơm cháy không hề thua kém cơm cháy Ninh Bình đó là Hải Phòng với món cơm cháy hải sản.
 Thành phần cơ bản của món cơm cháy hải sản cũng như cơm cháy Ninh Bình là cơm cháy đều được chế biến từ gạo tám thơm. Sự khác nhau giữa hai món ăn là những thành phần tạo nên nước sốt dùng kể ăn với cơm cháy. Thành phần nguyên liệu tạo nên nước sốt của cơm cháy hải sản là một số loài hải sản như tôm, cua bể, mực, tu hài... vốn tương đối phong phú trong khu vực biển Đồ Sơn, Cát Hải.
Cơm cháy không phải là món ăn quá khó làm, bởi chỉ là cơm nấu ép lại, sấy khô rồi rán giòn như cách làm thông thường. Nhưng ngon hay không là ở nước sốt. Nước sốt cơm cháy hải sản làm từ tôm, cua, mực, tu hài, sò... Tất cả thực phẩm chọn làm nước sốt đều rất bổ dưỡng. Chỉ có Hải Phòng và những vùng có hải sản tươi mới có thể làm được bát nước sốt ngọt lịm đặc trưng miền biển. Nếu không phải tu hài Cát Bà sẽ mất vị ngọt đặc trưng ngay. Bát nước sốt có màu đỏ tươi của cà chua và mùi thơm, vị ngọt của hải sản, chấm với cơm cháy ăn thật ngon.
Nếu có dịp đến với nơi đây bạn hãy tìm và thưởng thức cho mình món này nhé để cảm nhận cái vị của nó xem có khách với cơm cháy Ninh Bình như thế nào.
ST bởi: Dịch vụ nấu cỗ tại nhà

Mướp hương Quỳnh Lôi

Dịch vụ nấu cỗ tại nhà- Nhắc tới mướp đất Hà Thành thì nổi tiếng nhất ở đây là mướp hương Quỳnh Lôi đặc sản của một vùng giáp ranh một thành. Mướp hương Quỳnh Lôi ngắn quả vỏ mỏng ruột đặc gần như không có hột.
 Dây mới leo tới dàn đã có quả nhưng không sai như mướp thường. Cái gì quý cũng hiếm đó là quy luật sinh tồn. Nhiều người ở xa nghe tiếng mướp Quỳnh Lôi cất công tìm đến mua giống. Mang hạt về trồng cũng lên cây hoa kết trái nhưng chẳng còn hương thơm như mướp gốc Quỳnh Lôi mà đã biến thành mướp thường.
Mướp là một loại cây có tốc độ tằng trưởng và phát triển khá nhanh, quả mướp mùa hè nấu với rau đay rau mồng tơi, ăn vào thật là mát ruột. Mướp dễ trồng, là nháp, hoa vàng rực rỡ, nụ mướp tròn như cúc áo the thâm các cụ xưa.
Mướp hương Quỳnh Lôi quả ngắn tròn và rất thơm khi. Chỉ có đất Quỳnh Lôi mới trông được giống mướp hương này. Đông Anh, Sóc Sơn, Từ Liên, Gia Lâm đều thuộc vùng đất bao quanh Hà Nội thế mà cũng chưa bao giờ có giống mướp hương. Cũng như bưởi Đoan Hùng chỉ có làng Chỉ Đám mới có bưởi ngon, làng sát bên lấy giống về trồng vẫn ra thứ bưởi khác không ngọt nữa. Đúng là do chất đất rồi. Vẫn là thứ “gien” ấy vậy mà sao lại biến chất đi? Chưa thấy nhà khoa học thực vật nào giải thích hiện tượng này. Mướp hương Quỳnh Lôi càng trở nên quý hiếm khiến cho người ăn nghĩ ra nhiều món lạ để tận hưởng cái giá của mướp hương.

Từ mướp có thể chế biến được nhiều món ăn. Đặc biệt mướp là một loại cây có thể ăn được tất cả các thứ của nó như quả, ngọn mướp và ngay cả nụ mướp khi nấu canh hay xào đều ăn rất ngon.
St

Đặc sản nem phùng

Thị trấn Phùng hiện nay thuộc huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội từ lâu đã là địa danh nổi tiếng với rất nhiều món ăn dân dã, nhưng được biết đến nhiều hơn cả vẫn là món nem Phùng  với câu ca dao thân thuộc: “Nem Phùng ăn với lá sung. Để người tứ xứ nhớ nhung nem Phùng”.
Với cách chế biến tỉ mỉ, được kết hợp bởi những nguyên liệu mộc mạc, giản dị của làng quê Việt Nam, nem Phùng đã thực sự trở thành đặc sản ẩm thực độc đáo của vùng đất ven đô Thăng Long-Hà Nội.
Ngay từ khâu chọn thịt, người làm nem đã phải chọn loại thịt mềm, có cả nạc và mỡ, bên ngoài lớp bì được làm sạch sẽ. Gạo được chọn cũng phải là loại gạo tẻ ngon và một ít gạo nếp cái hoa vàng để rang thính.

Quy trình làm nem phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu. Thính nem được làm từ loại gạo ngon nhất. Gạo được đãi sạch, ngâm với nước ấm trong vòng 30 phút. Thứ đến là chọn thịt lợn, thịt phải tươi có nhiều mỡ, ngon nhất vẫn là thịt lợn vai gáy thì lớp mỡ sẽ rất giòn. Riêng bì lợn phải chọn loại bì trắng, cạo rửa sạch. Sau đó cho thịt và bì lợn luộc vừa chín tới.
Tiếp đến là khâu chế biến. Gạo cho vào rang đến khi có màu vàng đều như cánh gián. Để được như vậy người thợ phải đảo gạo thật đều, liên tục và chỉnh ngọn lửa cho vừa đủ nhiệt. Khâu rang thính là quan trọng nhất vì nó quyết định chất lượng của nem và đòi hỏi phải có bí quyết gia truyền. Gạo rang xong sẽ được giã nhỏ thành bột rồi trộn muối, mì chính, hạt tiêu và đem ủ khoảng 15 phút. Trong thời gian đó, thịt lợn được mang ra thái. Những "lá" thịt mỏng tang, dài bằng ngón tay út được bàn tay khéo léo của nghệ nhân thái rời. Riêng với bì lợn có thể dùng máy thái để có những sợi bì nhỏ và đều nhau. Lúc này thính và bì lợn gói bằng lá chuối tươi và buộc bằng lạt đỏ.
Vì mỗi chiếc nem thường được gói bằng lá chuối tươi xanh mướt, bên trong là một ít lá sung, lá ổi màu xanh đậm, một chút sợi bì lợn màu trắng đục, thịt nạc mầu nâu nhạt, thính gạo rang vàng thơm. Khi thưởng thức, thực khách tự tay mở chiếc nem ra sẽ thấy như một bông hoa vừa được hé nở mà lá sung, lá ổi là cánh hoa, thính, bì, thịt lợn là nhụy, trông thật tuyệt vời.
Sưu tầm bởi: Dịch vụ nấu cỗ tại nhà

Vải thiều Thanh Hà- Hải Dương

Những tiếng ve kêu râm ran cũng là lúc báo hiệu mùa vải đã được thu hoạch những vườn vải nhuộm một màu đỏ sậm. Từ trên cao nhìn xuống màu xanh của lá cây đã bị màu đỏ của trái vải lấn át, trông giống như những đĩa xôi được nhuộm màu rất khéo.

Nếu tháng 5 bạn có mặt ở Thanh Hà, huyện Nam Thanh, Hải Hưng bạn sẽ thấy làng quê như có hội, hội vải. Du khách về quê vải vừa tham quan vừa thưởng thức vải tại chỗ. Khu vườn rộn rã tiếng chim, tiếng cười của các cô thôn nữ xinh đẹp đang hăng say hái những trùm vải nặng chĩu, sực nức mùi hương vải thơm nồng. Trái vải kết thành chùm ở đầu cành, nặng trĩu, nhiều khi không chịu nổi sức nặng của trái, gió mạnh một chút là cành nhỏ tự gãy. Một cành vải bằng cổ tay người lớn cũng được khoảng 100 kg trái chín.

Bóc vỏ ra để thưởng thức những trái vải đỏ ửng bạn sẽ thấy bên trong là một lớp cùi trắng nõn, mọng nước. Cắn một miếng để thưởng thức cái vị ngọt dịu mát, thơm của nước vải ngấm tận chân răng. Đặc biệt, mùi thơm của vải khi ăn xong vẫn còn vương vấn mãi. Vải thiều Thanh Hà hột nhỏ, màu nâu đen, cây vải tuổi càng cao thì hạt càng nhỏ, có nhiều trái gần như không có hạt và lớp cùi dày ngọt lịm, đầy nước.
Trái vải dễ tiêu hóa, an thần. Dùng vải tươi hay khô đều tốt cả. Vải sấy khô cùi đen lại, dẻo quánh, ngọt vô cùng. Khi ăn, ta có cảm giác như ăn một quả táo Tàu thường có vị thuốc Bắc. Được ăn trái vải sấy khô và uống một ly trà nóng ấm thì thật không còn gì thú hơn. Ở Thanh Hà, nhà nào cũng có bình rượu ngâm vải sấy khô.
Cây vải tổ của vải Thiều được trồng tại thôn Thuý Lâm xã Thanh Sơn do cụ Hoàng Văn Cơm mang về. Người ta kể rằng Cụ Cơm nguyên là một người phục vụ tại một cửa hàng ăn ở tỉnh Quảng Ninh. Một hôm, có một du khách người Trung Quốc sau khi ăn cơm xong đã dùng tráng miệng bằng một loại quả (?) và khi rời khỏi quán ăn ông ta có để lại một vài quả. Cụ Cơm ăn thử thấy ngon quá, liền mang hạt về gieo ở vườn nhà và mọc lên được 3 cây. Trong 3 cây đó chỉ sống được 1 cây và cây đó vẫn tồn đến ngày nay (khoảng 150 tuổi).
Nguồn: internet

Bánh đa cua

Bánh đa cua là món ăn làm nên tên tuổi cho ẩm thực đất Cảng. Mỗi bát bánh đa là sư tổng hòa các màu sắc phong phú: màu đỏ sậm của bánh đa, nâu hồng của gạch cua, đỏ tươi của cà chua, xanh non của rau rút và rau muống, xanh đậm của chả lá lốt chiên, thêm sắc vàng của chả cá và hành phi.
Bánh đa cua muốn ngon phải dùng chính bánh đa đặc sản của làng Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân, Hải Phòng) nổi tiếng dẻo dai, ngâm nước lâu cũng không nát. Tương ớt ăn kèm tuy chỉ là yếu tố phụ cũng là loại đặc biệt, được chế biến theo một vài cách thứ gia truyền. Người Hải Phòng ăn bánh đa cua vào tất cả các bữa. Món ăn ngày nay đã nức tiếng khắp nơi, trở thành niềm tự hào của người dân đất Cảng, giống như phở của người Hà Nội hay bún bò đậm đà xứ Huế.
Sưu tầm bởi: Dịch vụ nấu cỗ tại nhà

Bánh phồng làng vẽ

dịch vụ nấu cỗ tại nhà- Bánh phồng thì ở đâu đâu cũng có thể có đi đâu cũng có thể bắt gặp và thưởng thức nhưng thứ bánh phồng tiến vua thì không phải ai cũng đã từng được thưởng thức rồi đó chính là bánh phồng làng Vẽ (nay thuộc Đông Ngạc) ngoại thành Hà Nội.
Đây là thứ bánh được làm từ gạo nếp quê chính cống, chọn trăm hạt như một, loại bỏ kỹ thóc và sạn rồi đem vo sạch để ráo nước, chờ chế nước “bấc”. Đâu là khâu quan trọng nhất vì nước “bấc” quyết định sự thành công của bánh, đó là phải có đủ 5 vị: lá trầu không, quả bồ kết, củ ráy, vỏ cây vông vang và đăng tâm (cây bấc đèn). Tất cả 5 vị này (được chọn theo tỷ lệ thích hợp, là bí quyết tay nghề) bỏ vào nồi nước đun kỹ, chắt lấy nước "bấc” để nguội bớt, khi nước còn âm ấm thì cho gạo nếp vào ngâm độ nửa giờ rồi vớt ra đem đồ chín thành xôi.

Để làm món bánh này thì cần lập một hội để làm trong đó có vài ba trai tráng để dận chày giã xôi cho nhuyễn khác nào giã bánh dày, còn đàn bà con trẻ thì nặn bánh, nặn vuông vức quân cờ rồi đem phơi nắng dăm bảy lần cho tới khi bánh khô kiệt mới bỏ vào chum vại sành đậy kín cất giữ đến ngày cần làm bánh, ăn bánh mới đem bánh ra rán.
Rán bánh cũng là một nghệ thuật, phải chọn lựa loại mỡ lợn mới, trắng ngần. Đầu tiên bắc chảo trũng lòng lên bếp. Bỏ mỡ vào chảo cho nóng già, thả bánh khô, bánh chìm nghỉm, mỡ nóng sôi dần, bánh bắt đầu nổi lơ lửng và bất ngờ nổ tung thành hàng chục cái bánh tròn như quả trứng vịt, trắng xóa mặt chảo, người ta dùng vợt tre chao đi, chao lại cho bánh thật nở rồi vớt bánh ra cái rổ to.
Bánh được rán xong còn phải thả qua chảo đường sôi nhè nhẹ để tạo lớp áo đường hấp dẫn bám vào bánh. Chiếc bánh phồng làng vẽ không chỉ thơm và ngọt, và còn là thứ cầu kì bậc nhất trong các loại bánh phồng ở Việt Nam.
Ngày nay, trên thị trường có biết bao loại bánh, có lẽ vì thế mà bánh phồng làng Vẽ ít được người ta nhắc đến. Ngay trẻ em ở làng cũng chỉ được nghe nói thôi cũng chưa từng được thưởng thức.
Nguồn: Sưu tầm

Cá thính chua- đặc sản vĩnh phúc

Vào mùa cá “trổ” (cá đẻ), lượng cá từ các ao hồ, sông suối được đánh bắt rất nhiều. Những chú cá béo tròn sẽ được mang đi bán để tăng thêm thu nhập, còn lại, lũ cá nhỡ sẽ là nguyên liệu chính để chế biến món cá thính chua. Tất cả những loại cá nhỏ đều có thể được người dân xã Lập Trạch ( Vĩnh Phúc ) làm nguyên liệu cho món cá chua này.
 Đầu tiên, cá sẽ được làm sạch ruột, bỏ đầu, để ráo nước và bắt đầu trải qua khâu đầu tiên là muối cá để cá săn lại. Người dân nơi đây sử dụng các loại vại sành, hoặc lọ thủy tinh “cao cổ” để đựng cá. Chia sao cho cứ một lớp cá, một lớp muối đúng định lượng 10 kg cá hết 1,5 kg muối. Lớp trên cùng của vại phải phủ kín muối, rồi dùng nan che đan thật kín để không khí không lọt vào.
Cá được để nơi thoáng mát và muối khoảng 4 đến 7 ngày thì bỏ cá ra, tuy nhiên phải dùng tay ép thật chặt vào mình cá để cá chảy hết nước, mang ra nắng phơi cho cá se lại.
Tiếp theo là “ủ” cá với thính. Đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng và kỳ công mới có thể tạo ra món cá thính chua thơm ngon sau này. Thính được làm từ ngô và đỗ tương rang xay thành bột. Dùng tay nhồi bột thính khắp mình cá từ trong ra ngoài thật đều.
Vại sành mang rửa lại cho sạch, để khô rồi lại xếp lần lượt cá vào vại. Mặc dù đã ướp thính khắp mình cá nhưng khi xếp vào vại, người Lập Thạch vẫn rây mỗi lớp cá thêm một lớp thính để tách các lớp cá không bị dính vào nhau khi chèn kín vại sau này.
Khi cho vào vại phải nhớ cho thêm lá ổi bánh tẻ đã rửa sạch để ráo nước lót quanh thành vại hoặc rơm nếp khô chèn kín phía miệng vại thì cá mới thơm và ngon được rồi lại đậy kín bình lại. Vì cá thính “chín” bằng cách yếm khí nên để đảm bảo tuyệt đối không khí không lọt vào cá, người Lập Thạch úp ngược vại cá vào một bát nước sôi để nguội. Hàng ngày phải thay bát nước sôi đó khoảng 2 tuần thì được món cá thính thơm ngon.
Cá thính có thể làm được nhiều món ăn ngon nhưng có lẽ ngon nhất là đem cá thính chua nướng qua than hoa. Nhìn miếng thịt cá nóng hôi hổi thơm phưng phức, vị chua mát, thịt cá ngọt đậm đà trên bếp than hồng có thể khiến cánh mày râu cạn ngay một “xị” rượu, còn để ăn cơm thì xem chừng quá…tốn!
Sưu tầm bởi: Dịch vụ nấu cỗ tại nhà


Bún làng Tái Kênh- Hà Nam

Dịch vụ nấu cỗ tại nhà- Làng Tái Kênh là một làng thuần nông, hơn 80% số hộ gia đình làm nông nghiệp kết hợp với thủ công nghiệp. Làm bún được xem là nghề truyền thống của làng thuần nông này. Trong các gia đình, hầu như thành viên nào cũng có thể tham gia vào các công đoạn làm bún.

 Để làm nên những mẻ bún thơm ngon, việc quan trọng đầu tiên là bí quyết từ khâu chọn gạo. Gạo làm bún phải là gạo Khang dân, gạo Ải - loại gạo khi nấu phải khô. Các loại gạo như gạo Tạp giao, gạo Tám không dùng làm bún được vì loại gạo dẻo này khi làm các sợi bún sẽ bị nát và dính bết vào nhau. Gạo được vo cho sạch sau đó ngâm cho nở, nếu vào mùa hè thì ngâm già nửa buổi, mùa đông thì ngâm non một ngày, sau đó vớt ra để ráo nước rồi đem gạo đi xay nhuyễn với nước tạo ra một hỗn hợp bột, dẻo, mịn. Cho bột vào một tấm vải để 2 ngày và ép khô cứng.
Bột đem nặn thành quả tròn, rồi luộc trong nước sôi sùng sục khoảng 5 phút cho chín lớp vỏ bột bên ngoài rồi cho vào cối giã nhuyễn, để phần sống và phần chín quyện kỹ với nhau, sau khi bột đã dẻo cho thêm nước vào nhào bột. Bột được nhào thành dung dịch lỏng rồi đưa qua màn lọc sạn để lọc bụi và các cặn lẫn vào bột, để khi làm sợi bún không bị sạn. Nước sôi cho bột vào khuôn rồi vắt thành sợi luộc trong nồi vài ba phút thì bún nổi lên trên mặt nước thì dùng rổ vớt bún ra, rửa sạch qua nước lọc cho khỏi bết dính. Nếu là bún rối thì sau khi rửa sạch cần vẩy khô nước, đổ lên tấm lưới và bật quạt điện cho khô. Đối với bún lá hoặc bún bát, sau khi vớt bún từ trong nồi ra, rửa sạch bún rồi dùng tay vắt hoặc xoay tròn trong bát để tạo nên những lá bún nhỏ tròn trịa. Bún thành phẩm là sợi bún trắng trong, dẻo dai, săn sợi.
Bún thành phẩm khi đem ra chợ bán được đặt trong các thúng tre có lót sẵn lá chuối hong khô trước. Trong quá trình làm bún điều quan trọng là việc giữ lửa trong lò. Nếu lửa quá to bún sẽ dễ bị gãy và nước bún dễ bị trào ra lò lửa, nếu lửa nhỏ sẽ không đủ để làm bún chín, bún sẽ bị trương, khi ăn bún sẽ không được dai.
Bún làng Tái Kênh bây giờ đã chở thành thương hiệu không chỉ ở nơi đây nữa mà ở quang vùng ai ai cũng biết đến và sử dụng nó, vì vậy mà người dân nơi đây ngày càng phải sản xuất nhiều hơn và đời sống cũng được cải thiện đánh kể.
Nguồn: Sưu tầm

Nem chua Yên Mạc

Dịch vụ nấu cỗ tại nhà- Nhắc tới nem chua ngoài nem chua nổi tiếng như Thanh Hóa thì chúng ta cũng không thể bỏ qua được nem chua Yên Mạc thứ nem chua đã đi vào lòng người  nơi đây. Nem chua Yên Mạc là đặc sản của Ninh Bình, do con gái của quan Thượng thư Phạm Thận Duật là Phạm Thị Thư sáng tạo nên dựa trên món nem chua cung đình Huế triều Nguyễn.

Mỗi lần thưởng thức nem chua Yên Mạc lòng tôi lại lâng lâng nhớ về cái món ăn dân dã và mang hương vị đặc biệt này.  Mở lớp lá chuối ra đã tỏa ra mùi men chua rất dễ chịu, quyện với mùi thơm của lá ổi thơm lừng.
Chỉ cần lấy đôi đũa xắn miếng nem ra là thấy một màu hồng rực của nem chua, xen lẫn là những sợi bì trắng tinh. Nem có vị hơi chua chua, chấm với nước mắm nhĩ hoặc nước mắm tỏi ớt là ngon vô địch.
Sự khác biệt giữa nem chua Thanh Hóa, nem chua Huế, nem Phùng ( Hà Nội ) là nem Yên Mạc làm từ thịt mông của lợn (heo) thái nhỏ chứ không đem xay nhuyễn như nem Thanh Hóa hay Huế, cũng không đem luộc chín như nem Phùng.
Thịt để làm nem phải là thịt nạc mông của lợn vừa mới mổ xong, còn ấm nóng. Nếu chọn thịt thăn, thịt vai nem sẽ bị nhão, không ngon.
Thịt lọc hết mỡ bạc nhạc bỏ đi, dùng dao sắc thái từng miếng độ nửa phân, dài 2 - 3 phân, thái đến đâu, dùng sống dao dần nhừ thịt đến đó cho mềm, lăn vào thính (gạo rang vàng suộm và nghiền thành bột). Sau đó gói thịt vào vải sạch, ép chảy bớt nước thì nem để lâu mới không bị hỏng.
Bì lợn khoanh mặt da vào trong, buộc lại rồi luộc vừa chín, không được nhão vì khó thái lại không ngon. Vớt bì ra, ép cho thẳng, lọc bớt mỡ bạc nhạc bằng dao sắc cho đến khi mỏng như tờ giấy, thái nhỏ như sợi cước. Sau khi trộn thịt với bì lợn, cho muối và thính vào để lên men, đủ liều lượng nem sẽ chua và ngon, nếu ít thính và muối, nem sẽ bị hỏng, nếu nhiều quá nem chóng chua.
Gói nem bằng lá chuối, bọc ngoài lớp nem là lá ổi để khi ăn có vị thơm. Về mùa hè, nem gói sau một ngày là ăn được, mùa thu sau 2 ngày, mùa đông sau 3- 4 ngày.
Món này thưởng thức ngon nhấy là khi ăn kèm với các loại lá sung, lá mơ, lá đinh lăng. Tất cả tạo nên một vị tổng hòa thật đặc biệt, rất đắm thắm vị quê hương. Dù ăn ngay hay để lâu, khi gỡ nem ra vẫn rời, tơi, có màu hồng của thịt lợn.
Nguồn: Sưu tầm

Đặc sản gà hồ Bắc Ninh

Dịch vụ nấu cỗ tại nhà- Nguồn gốc của gà Hồ từ làng Lạc Thổ, Thị trấn Hồ, xã Song Hồ, huỵện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sự hình thành và phát triển gà Hồ gắn liền với tập quán cổ truyền, với nền văn hiến vùng quê Kinh Bắc cổ kính.
Nơi sản xuất ra tranh Ðông Hồ, đã đi vào lịch sử và được lưu truyền cho đến ngày nay. Gà Hồ cũng được nuôi phổ biến ở một số huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh cũ và một số vùng khác ở miền Bắc (Theo Lê Hồng Mận, Hoàng Hoa Cương- 1994 ).
 Khắp đất Việt Nam có lẽ gà Hồ xứng đáng với danh hiệu đệ nhất đô vật bởi trọng lượng đáng kinh ngạc của chúng. Giống gà này do dân làng Hồ nuôi gắn liền với tục lệ thi gà luộc vào ngày mồng bốn tháng giêng, trong lễ “khao trầu”. Lệ làng, dân Lạc Thổ được chia ra các giáp. Trong mỗi giáp sẽ họp bàn, quyết định chấm xem bao nhiêu người được nuôi gà trống thờ khao trầu. Người được chọn phải rất mát tay chăn nuôi, tính tình cẩn thận đến tỉ mỉ và quan trọng là đạo đức thuộc hàng sáng không một tì vết. Thế nên ai được làng giáp “chấm” để nuôi gà lễ đều coi đó là một vinh dự cực lớn.
Đặc điểm ngoại hình: Gà Hồ có tầm vóc khá to so với các giống gà địa phương khác. Đặc điểm của con trống theo thành ngữ chọn giống của dân địa phương là : Đầu công, mình ốc, cánh võ trai, đuôi nơm (chính cái nơm úp cá, để đạp mái dễ) da bụng, cổ màu đỏ, mào xuýt (mào kép), diều cân ở giữa; quản ngắn, đùi dài (cho thịt đùi nhiều) chân tròn, ngón tách nhau, da vàng, thịt ngon, lông mã lĩnh hay mận chín. Lông gà mái màu lá chuối hay màu võ nhãn, màu đất thó. Gà trống da vàng, màu lông mận chín hay mận đen, ngực nở, chân cao vừa phải, mào xuýt, thân hình chắc chắn. Khối lượng mới nở 45 g/con, lúc trưởng thành con trống nặng 4,5 - 5,5 kg/con; con mái nặng 3,5 - 4,0 kg/con. Bắt đầu đẻ lúc 185 ngày tuổi. Một năm đẻ 3 - 4 lứa, mỗi lứa đẻ được 10-15 quả trứng. Khối lượng trứng 50-55 g/quả.
Dưới góc độ ẩm thực thì thịt gà Hồ là một món ăn ngon. Thịt thơm, giòn, ngọt, ăn một lần là nhớ mãi. Vì là loại gà giống to nên gà muốn ăn thịt được phải từ 2,5-3 kg trở lên. Vì thế thời gian nuôi một con gà thịt kéo dài đến 7-8 tháng. Số lượng gà được bán làm thực phẩm chưa nhiều. “Đây là một giống gà to, đầu to, chân to, nó khắc hẳn với gà ngoài chợ. Nên mỗi gia đình nuôi rất kỳ công trong việc chăm sóc. Thức ăn cho gà Hồ chủ yếu là thóc và nấu cám nên thịt rất thơm và săn chắc”. Anh Nguyễn Văn Chinh – Hội viên – Hội gà Hồ - thôn Lạc Thổ - Thị trấn Hồ - Thuận Thành cho biết.
Hiện nay những người nuôi gà Hồ ở thôn Lạc Thổ chủ yếu là nhân giống, phát triển đàn gà là chính. Tổng đàn gà hàng năm cũng chưa tăng mạnh. Nguyên nhân là còn khó khăn trong việc nhân giống. Các hội viên của hội gà Hồ đã tìm mọi cách tăng số lượng gà nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Lí do cũng nhiều nhưng chủ yếu là việc chăn nuôi gà Hồ vẫn theo hình thức nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Vì số lượng ít cho nên giá gà Hồ thương phẩm cũng cao hơn nhiều giá gà thường, trên 500.000 đồng/kg. Mỗi hộ có chừng hai, ba chục con giống, dịp Tết cung ứng kịch trần khoảng 100-150 con ra thị trường nên ai không quen, không biết mối không thể có cơ hội tự khoản đãi hay được khoản đãi giống gà biếu cực kỳ quý này.
Nguồn: Sưu tầm

Cá nướng úp chậu- đặc sản Nam Định

Nếu có dịp ghé qua xã Phương Đinh, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định những ngày đầu xuân, vào bất cứ gia đình nào, bên cạnh những món ăn truyền thống, bạn sẽ được chủ nhà mời một món cá nướng rất đặc biệt, ăn xong bạn còn muốn… xin về.
Để học bí quyết nướng cá có màu vàng óng, hương vị đậm đà, thịt cá dai, thơm mùi rơm nếp, chúng tôi đã tìm về xã Phương Định (H.Trực Ninh, Nam Định), nơi nổi tiếng với món cá nướng úp chậu này.
 Cá tùy theo từng gia đình mà họ có thể mua ở chợ hoặc cũng có thể bắt ở dưới đầm lên sau đó cắt cá làm đôi, làm ba (tùy theo kích cỡ của cá), rửa sạch, cho cá vào một chiếc chậu nhỏ, ướp bột canh, sả, gừng với thời gian khoảng 30 phút cho cá ngấm gia vị. Tiếp đó, người chế biến sẽ trải một lượt rơm nếp dày chừng 3cm xuống nền bếp, đặt cá lên, dùng lá chuối tươi phủ kín bề mặt cá và lấy một chiếc chậu nhôm úp lên trên cá.
Như vậy công việc chuẩn bị đã xong, bây giờ người chế biến phủ rơm lên thành chậu và đốt.
Sau khoảng 25 đến 30 phút đốt bằng rơm thì lấy vỏ trấu phủ lên trên thành chậu một lớp dày rồi tiếp tục đốt, rơm và trấu cháy âm ỉ suốt 5 tiếng, sau đó cá được lật mặt và tiếp tục ủ trấu nóng trong 5 - 6 tiếng nữa. Khi cá chín vàng, thơm lựng, ấn vào thấy khô là hoàn tất.
Ông Nguyễn Văn Hạnh (46 tuổi), ở Đại Thắng 5, xã Phương Định, cho biết: "Muốn cá nướng ngon, phải biết canh lửa, kiên trì. Nếu người nướng nóng vội cho lửa cháy to, cá sẽ bị chín ép, bị cháy, còn khi ít lửa, cá chín không đều, thịt thường không có mùi thơm". Cách chế biến tuy đòi hỏi sự cầu kỳ, kiên trì nhưng ở Phương Định, hầu hết các gia đình đều chuẩn bị một vài khúc cá cho ngày tết.
Khi ăn, cá được chấm nước mắm pha gừng, vừa cay, vừa bùi, thơm mùi rơm nếp.
Món cá này giờ trở thành đặc sản của người xã Phương Định, là một món ăn mời khách và món quà biếu dân dã nhưng cũng rất lạ và độc đáo. Nếu có dịp du xuân trên miền đất của các vị vua Trần dịp đầu xuân, bạn nhớ ghé qua đây (cách thành phố Nam Định khoảng 30 km) để thưởng thức món cá đặc biệt này.
Sưu tầm bởi: Dịch vụ nấu cỗ tại nhà

Đẻn biển- đặc sản Quảng Bình

Đẻn Biển- Quảng Bình, mảnh đất anh hùng dầu dãi nắng mưa của Tổ quốc, mảnh đất chịu biết bao bom đạn của chiến tranh và rất nhiều người con nằm lại dưới đất sâu ở những năm tháng đẹp nhất của đời người.
Thế nhưng, ngay trên sự khắc nghiệt ấy, thiên nhiên lại dành cho quê hương của dòng sông Nhật Lệ sự ưu ái để sản sinh ra những đặc sản đi vào lòng người. Một trong số những tặng phẩm ấy là đẻn biển.
Nếu có dịp về quê hương bên dòng sông Nhật Lệ hẳn sẽ có dịp thưởng thức những món ngon từ đẻn biển – vị lạ, vị ngon, vị bổ của nó khiến du khách càng thêm háo hức tò mò...
Đẻn có hình dài như con rắn, trên mình có vằn, da rất nhám. Tiết đẻn là "món" đầu tiên, uống vào thấy trong lòng "xao xuyến". Cắt một chút ở đuôi đẻn để lấy "tiết" cho chảy vào rượu. Hoặc có thể ngâm cả con đẻn vào bình rượu (rượu ngon), ngâm ba đến năm ngày là uống được. Rượu tiết đẻn uống vào có vị hơi chát, ấm, là một loại thuốc chữa được bệnh đau lưng.

Món Ram đẻn mới ngon. Đẻn làm sạch, lấy hết ruột và huyết đen trên sống lưng, bằm cả xương thật nhuyễn, cho các gia vị vào trộn đều, ướp một lúc, lấy ra cho vào bánh đa cuốn thành từng chiếc ram nhỏ, sau đó đưa lên chảo rán đều, mùi thơm không nhịn được.
Sau khi tắm biển, du khách có thể ngồi đâu đó bên bờ biển Nhật Lệ, thưởng thức một ly rượu đẻn và ăn một đĩa ram đẻn nóng hổi thơm ngon thì còn gì thú vị hơn.
Sưu tầm bởi: Dịch vụ nấu cỗ tại nhà

Đặc sản sò huyết Hà Tiên

Đặc sản vùng miền- Chưa ăn sò huyết, chưa biết Hà Tiên khi tới Hà Tiên chắc chắn món ăn mà mọi người muốn thưởng thức đầu tiên đó là những món được chế biến từ sò huyết. Hà Tiên là quê hương của đặc sản nổi tiếng: sò huyết.

Những con sò to, tròn, cỡ ngón chân cái, vỏ có nhiều lằn khía chạy dọc theo thân sò. Khi bạn dùng tay tách vỏ ra sẽ thấy bên trong thịt đỏ hồng có nhiều gạch vàng, trông thật là bắt mắt.
Tới khi về chiều, lúc thuỷ triều xuống, dân nhậu sò huyết thường đến các bãi biển có nhiều sò, thả thuyền lửng lơ trên mặt biển, nhất là vào những đêm trăng sáng, gió biển thổi lao rao, mát rượi, vừa thưởng thức vị ngọt mềm của sò, vừa thưởng thức cái cảnh ánh trăng phản chiếu mặt nước biển rập rờn tựa hồ rải bạc.
Trên thuyền chuẩn bị trước bếp lò, vỉ nướng, gia vị, rau tươi và rượu đế gạo chính hiệu của Hà Tiên. Khi tới bãi sò, cho người bắt sò thả từ trên thuyền xuống nước, hai tay cầm thúng đẩy tới, hai chân dậm nhẹ trên mặt bùn sục sạo kiếm sò. Khi đạp trúng sò, lắc nhẹ bàn chân, rồi dùng ngón chân quặt chặt từ từ đưa lên, bàn tay thò xuống bắt sò qua kẽ ngón chân rồi cho vào thúng. Lúc lò than đã đỏ lửa, đặt vỉ nướng lên, đưa tay vào thùng đựng sò đã nhả bùn làm sạch vỏ. Ai ăn chọn con vừa bỏ lên vỉ, gắp rau thơm xà lách cho vào chén.
Sò huyết trên vỉ vừa chín tới há vỏ tuôn nước, dùng muỗng nạy phần thịt khỏi vỏ sò, trút cái và nước vào chén, thêm ít muối tiêu, chút chanh giấy, là có món đặc sản tuyệt vời. Thật hấp dẫn khi từ đầu lưỡi cảm giác cái dai của thịt sò, vị ngọt, vị mặn của nước từ thân sò tứa ra, cộng với mùi rong biển hoà quyện mùi rau thơm, vị chua của chanh rồi vị cay nồng của rượu đế. Tuyệt diệu! Trời trăng thanh, gió mát, bên bếp lửa hồng, vừa thưởng trăng vừa lai rai vị ngọt mềm của sò với vị cay của rượu, còn gì thi vị hơn.
Ngoài ra người ta còn làm món sò huyết rang me. Đây là sự phối ngẫu tuyệt vời giữa vị ngon ngọt của sò với vị chua thanh của me, khiến món ăn trở nên cực kỳ hấp dẫn. Món này chế biến cũng đơn giản, nhưng để thật ngon cần có bàn tay khéo léo của người nấu ăn và khả năng tăng giảm gia vị sao cho độ ngọt chua, mặn, cay hài hòa.
Trước hết, người ta bắc chảo dầu cho thật nóng, đổ sò nhanh vào, chao nhanh qua cho sò há miệng rồi trút ra. Me chín đem dầm với nước nóng, bỏ hột. Tiếp tục bắc chảo nóng, cho dầu ăn, tỏi bằm nhuyễn vào xào cho vàng thơm rồi cho nước me, nước mắm, bột ngọt, đường, tiêu, tương cà, sa tế vào, quậy đều để tan gia vị. Nếm chua, ngọt, cay sao cho vừa ăn mới cho sò ào chảo trở lại đảo đều là được. Sò huyết rang me cũng chấm với muối tiêu chanh cùng ít cọng rau răm cho đậm đà.
Tóm lại, sò huyết là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, bổ máu, được dân gian chế biến thành nhiều món ăn. Món nào cũng có tác dụng chữa bệnh tốt liên quan đến huyết áp, suy nhược cơ thể, …
Nguồn: sưu tầm

Tôm khô Vĩnh Kim- Trà Vinh

Dịch vụ nấu cỗ tại nhà- Nhắc tới tôm khô ở đồng bằng sông cửu long thì người ta nghĩ ngay tới tôm khô Vinh Kim nổi tiếng nhất Trà Vinh và hầu như ít có nơi nào sánh kịp dù sản lượng ở nơi khác gấp năm, bảy lần hơn xứ này

Bây giờ có cả một hợp tác xã chuyên sản xuất tôm khô mang thương hiệu Vinh Kim, có khả năng cung ứng cho thị trường vài trăm tấn tôm khô mỗi năm. Nhưng trong suốt 30 năm qua, hàng của Bà Hai Khâm ở ấp Chà Và, xã Vinh Kim (huyện Cầu Ngang - Trà Vinh) vẫn nức tiếng.
Chất lượng của nó được thể hiện ngay ở việc giá cả bán ra thị trường khi tôm khô của bà Hai Khâm bán ra với giá cao so với mặt hàng cùng loại dù mã hàng không “màu mè” như những loại khác. “Tôi không dùng phẩm màu” - bà nói: “Hàng tui làm, chỉ cậy vào tép bạc đất. Tép phải tươi và được phân cỡ kỹ lưỡng. Độ mặn trong sản phẩm phải vừa phải. Độ khô sản phẩm phải đạt mức cao nhất…” Làm như cách của bà thì không lời nhiều nhưng khách sẽ vừa bụng và luôn cảm thấy an toàn khi mua sản phẩm của bà. Còn muốn làm cho tôm khô đẹp hơn bằng cách thêm phẩm màu, tăng độ mặn (tôm giữ nước do tự hút ẩm). Thậm chí còn có thể đem tôm khô nhúng nước rồi phơi lại tới độ khô vừa phải, da tôm khô sẽ đẹp và sáng bóng… nhưng tôm sẽ mất vị ngọt và mùi thơm đặc trưng. Thôi thì mình cứ làm theo kiểu cũ chứ lợi cho mình mà sản phẩm không để lâu được, ăn mất ngon thì uổng lắm – bà Hai nói. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng tôm của bà lại mang một cái vẻ đặc trưng riêng và hơn nữa tôm của bà luôn giữ được độ thơm và độ ngọt chính vì vậy mà tôm khô của bà Hai Khâm làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, muốn mua số lượng như vài trăm ký lô là một chuyện không phải rễ đôi khi khách hàng còn phải đặt hàng trước cả tháng. Hiện tại, giá tôm khô loại I của bà Hai Khâm bán 500.000 – 600.000 đồng/kg, loại nhỏ nhất 200.000 đồng/kg. Giá “cứng”như vậy nhưng hàng không ra nổi tới chợ, khách vô tới nhà mua hết ráo. Anh Đào Ngọc Tứ, từ Mỹ về, nói: Lần nào về thăm gia đình ở TX Trà Vinh, tôi cũng mua tôm khô Vinh Kim, chính gốc từ lò của bà Hai Khâm mới được. Không chỉ mỗi anh Tứ như vậy mà nhiều người đi xa hay đi về đây thăm quan du lịch cũng thường mua tôm của bà về làm quà. Bà Hai có bí quyết gì vậy? “Bí quyết gì chứ! Tui chỉ chọn tép thiệt tốt và làm cho đàng hoàng chứ đừng có ham làm cho màu mè, nặng cân để lời nhiều”.
“Không biết mai mốt bà con mình còn được nếm con tôm khô của xứ Vinh Kim hay không”- bà Hai Khâm (Trần Thị Khâm) nói: Từ hồi vùng này đắp đập, nguồn nguyên liệu trời cho: Tép bạc đất ở vùng nước lợ Cầu Ngang bị cạn kiệt từ từ.
Nguồn: Sưu tầm
>> Đặc sản vùng miền

Tương Đình Tổ- đặc sản Bắc Ninh

Dịch vụ nấu cỗ tại nhà- Về Bắc Ninh, ở những ngôi nhà còn người già sẽ thấy góc hiên, góc bếp lúc nào cũng có chum tương. Đó là thứ đặc sản mỗi người con Kinh Bắc đi xa lại nhớ. Nhưng thứ tương thượng hạng, ngon nhất là ở xã Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Khác với các loại tương khác, tương Đình Tổ khác được làm từ nguyên liệu chính là ngô, ngoài ra còn có đỗ tương và gạo nếp cái hoa vàng. Tất cả đều được ủ và lên men tự nhiên không dùng bất kỳ một loại hoá chất hay men phụ trợ nào.
Ngô làm tương phải là loại ngô đỏ, hạt mẩy, căng; đỗ và gạo nếp cũng phải kén loại ngon, hạt to, chắc và đều. Ngô sau khi phơi khô phải sàng kỹ cho hết sạch mày, vỏ bên ngoài, chỉ giữ lại phần sọ bên trong rồi mới đồ lên thành xôi và cho ủ lên men. Đỗ đem rang nhỏ lửa, khi tỏa mùi thơm và ngả màu thì vừa ngon. Rang xong  đổ ra mẹt, ngày hôm sau bỏ vào chum sành, đổ nước vừa đủ và ngâm. Trong suốt quá trình ủ ngâm, định kỳ phải kiểm tra, đánh đều, vớt bọt để tương có độ sánh, mịn đạt tiêu chuẩn.
Thông thường một mẻ tương phải được ủ kỹ trong vòng nửa tháng mới có thể mang ra xay để tạo ra tương thành phẩm.
Hương vị thơm ngon, an toàn mà dung dị của thứ tương này đã chiếm được cảm tình của nhiều người. Tuy nhiên, bí quyết làm ra loại tương ngon ấy chỉ được người Đình Tổ truyền trong nội bộ các gia đình.
Điều đáng trân trọng nhất là họ luôn răn dạy con cháu, muốn có tương ngon, phải có cái tâm với nghề, với người.
Sưu tầm bởi: Dịch vụ nấu cỗ tại nhà

Đặc sản bánh ướt chấm mắm sò

Vùng đất Phú Yên hẹp, nắng gió và mưa bão liên miên nhưng bù lại có nhiều đặc sản nức tiếng cả nước. Và, bánh ướt là một trong những món được nhiều người công nhận là món ngon của vùng đất này.

Tuỳ theo mỗi vùng miền mà bánh ướt có tên gọi, cách chế biến và cách ăn khác nhau. Riêng cách chế biến có thể gần giống nhau, còn cách ăn thì không hẳn vậy vì gu ẩm thực và sản vật có được ở mỗi vùng miền cũng khác nhau. Ví dụ, vùng phía Bắc người ta gọi bánh ướt là bánh cuốn, bánh này thích hợp cuốn với nhân thịt, nhân tôm hoặc trứng ăn với nước chấm ngọt dịu cùng rau sống. Người dân thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) gọi loại bánh này là bánh quấn, ăn kèm với thịt lợn đồi nướng phải nói là ngon thật. Người xứ Nghệ gọi là bánh mướt, ăn với canh gà, lòng heo. Trở vào trong nữa, người Phú Yên, Bình Định rặt xứ Nẫu gọi là bánh ướt.

Ở đây, bánh ướt có nguồn gốc từ cách làm bánh tráng. Ngày xưa, người làm bánh tráng thấy bánh mới tráng nóng hổi, trắng ngần ngon lành bèn ăn nóng chứ không đem phơi. Thấy ngon, có lý, rồi dần dà bánh tráng nóng thành tên bánh ướt, tức bánh còn ướt chứ chưa được phơi khô thành bánh tráng. Và không biết từ khi nào, bánh ướt có “duyên nợ” với người nơi đây, thoát ra khỏi bữa ăn gia đình, được dùng đãi khách gần xa và vươn lên thành đặc sản của người Phú Yên. Bây giờ, Phú Yên có nhiều làng bánh tráng nổi tiếng cả nước và món bánh ướt họ hàng với bánh tráng cũng không thua kém món… đàn anh.

Bánh làm bằng bột gạo, tráng chín vớt ra trắng ngần mịn màng. Có người giàu tưởng tượng, ví tấm bánh ướt như làn da thiếu nữ xứ lạnh, mát mẻ dịu dàng đến nỗi chỉ nhìn thôi cũng đủ động lòng. Các động tác tay mở nắp nồi bánh, cầm que nan dẹt vót thật mỏng vớt bánh, tay kia thoăn thoắt múc bột tráng đều trên làn khói nghi ngút kịp cho khách dùng mới thấy hết sự điệu nghệ của người đổ bánh. Rồi khéo tay gấp chiếc bánh làm tư, dùng cái muỗng nhỏ múc hẹ đã phi dầu trong tô thoa đều lên chiếc bánh. Loại rau hẹ trồng ở quê tươi tốt xanh mướt nên hương thơm đậm đà.

Nước chấm bánh ướt đa dạng nhưng ngon và đậm đà nhất là các loại mắm gia truyền như mắm cá cơm, cá sặc, cá mành; tuyệt nhất là các loại mắm sò, mắm dắt. Hai loại mắm này được ngư dân Phú Yên chính hiệu chế biến từ con sò, con dắt (một loại như con hến) sống dưới đầm Ô Loan – đầm cho sản vật ngon đáo để. Tiếng ngon của loại mắm này vang xa tận các thành phố lớn và tới cả bên trời Tây. Việt kiều về quê mua mắm sò, mắm dắt bỏ keo gói kỹ năm bảy lớp bao, vấn băng keo vít kín cho vào vali… xuất ngoại làm món quà quý.
 Sưu tầm bởi: Dịch vụ nấu cỗ tại nhà

Những món cá đặc sản miền trung

Đặc sản tại nhà- Bắt đầu từ thành phố bên bờ sông Hàn, khi chiều xuống, thả bộ theo con đường dọc biển, hương vị thơm nức của những con cá đuối nướng đang lan tỏa trong gió từ những hàng quán ven biển như níu chân du khách.
Cá đuối nướng

Nguyên liệu chính là những con cá đuối còn tươi được làm sạch, ướp với các loại gia vị và nướng chín trên bếp than hồng cùng ít lá lốt. Ăn kèm là bánh tráng, rau sống cùng chén mắm nêm cay xé lưỡi đúng vị miền Trung. Vị ngọt của thịt cá, hương thơm của các loại rau cùng chén mắm nêm đậm đà sẽ làm bạn nhớ mãi sau khi thưởng thức.

Món kế tiếp bạn sẽ được thưởng thức là cá bống sông Trà bình dị của người dân xứ Quảng. Cá bống cát ở sông Trà có nhiều loại, từ loại cá bống cát nhỏ con, màu vàng nhạt, cỡ bằng ngón tay út cho đến loại cá bống vồ, to con và loại cá bống mú có thân hình tím sẫm như loại cá mú biển (còn gọi là cá bống than) thịt nhão, không ngon bằng thịt cá bống cát.
Cá bống cát sông Trà

Cá bống ngon nhất là kho tiêu. Cá rửa sạch, cho vào niêu đất, thêm ít nước mắm, đường, muối, hành, tiêu… đun lửa riu riu cho đến lúc chín. Cá bống kho tiêu đậm đà hơi cay được ăn kèm với cơm nóng là món ăn rất khó quên đối với bạn.

Đến với Phú Yên, những món chế biến từ cá ngừ đại dương chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng. Đầu tiênphải kể đến là thịt phi lê cá ăn kèm mù tạt. Thái thịt cá thành từng lát mỏng, cho vào hộp nhựa để lạnh. Khi ăn dùng lá cải xanh cuốn kèm lát cá với các loại rau như chuối chát, khế, ngò tàu, ngổ, các loại rau húng… chấm vào chén nước tương pha mù tạt và thưởng thức.
Lườn cá ngừ nướng

Ngon lạ nhất là món mắt cá ướp các gia vị như thuốc bắc, sả, ớt, tiêu… rồi chưng cánh thủy. Bên cạnh đó, món lườn cá ngừ nướng cũng đem lại nhiều hương vị thơm ngon cho bạn. Lườn cá rửa sạch, để nguyên phần da, thái thành từng lát độ bằng ba bốn ngón tay rồi ướp với gia vị. Cá nướng chín trên bếp than hồng, mỡ chảy xèo xèo, tỏa hương nghi ngút thơm phức.

Đến với Nha Trang, bạn không thể bỏ qua món bún cá dầm đặc trưng của phố biển. Cá dầm là một đặc sản nổi tiếng của vùng biển Khánh Hòa, thịt cá chắc, ngọt, thơm ngon nên được nhiều người ưa thích. Chế biến cá dầm không khó, những con cá còn sống được làm sạch, luộc chín, bỏ da và xương, thịt cá được thái thành từng khúc vừa ăn.
Bún cá dầm

Ngoài cá dầm, bát bún còn có chả cá và nước dùng. Không nấu từ xương heo như các loại bún khác, nước dùng bún cá dầm được nấu từ chính xương của loại cá này nên có vị ngọt thanh rất tự nhiên, không lẫn vào đâu được. Ăn kèm là đĩa rau sống được thái nhỏ rất đặc trưng của ẩm thực Nha Trang.

Cuối cùng, món gỏi cá mai nổi tiếng của vùng đất Ninh Thuận sẽ khép lại một hành trình đầy thú vị dành cho bạn.Cá mai có hình dáng tương tự cá cơm nhưng có một lớp vẩy bạc lấp lánh bao quanh và đặc biệt là không có máu nên không có mùi tanh. Cá mai đánh sạch vảy, cắt bỏ đầu đuôi, dùng dao mổ dọc theo lườn cá, rút bỏ xương sống, làm tái qua giấm hoặc nước cốt chanh, vắt ráo và để riêng.
Gỏi cá mai

Các loại rau dùng để bóp gỏi rất phong phú như: cá rốt thái sợi, hành tây thái mỏng, húng lủi, rau răm thái nhỏ, đậu phụng rang… Cho tất cả các nguyên liệu trên vào trộn chung với cá mai, thêm một ít nước mắm chanh tỏi ớt, trộn đều, nếm lại vừa ăn. Bạn có thể ăn gỏi cá mai cuốn bánh tráng cùng với chuối chát, dưa leo, xà lách…

Một chuyến hành trình trên cung đường miền Trung sẽ là kỷ niệm đáng nhớ với bạn khi vừa được đi, vừa được trải nghiệm những món ăn ngon miệng của mỗi vùng miền.
Nguồn ST
 
Dịch vụ nấu cỗ tại nhà | Đặt cỗ tại nhà ở hà nội | Nấu cỗ tại nhà ở hà nội| nấu cỗ cưới ở hà nội \\\ TIỆC HƯNG THỊNH | Đặt tiệc tại nhà Call Hotline: 0911 21 2468

Copyright© Nhà hàng Hưng Thịnh - Hotline: 0911 21 2468 - Email: tiechungthinh@gmail.com | ADD: Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm, Hà Nội
 Gọi đặt cỗ: 0911 21 2468